Hội thảo “Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) tới nền kinh tế Việt Nam”

Lượt xem: 1875

Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại, và Việt Nam đã và đang bắt kịp xu thế đó. Trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, nhất là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Sau hơn 10 năm tham gia tổ chức thương mại Thế giới  đến nay, Việt Nam đã kí kết và đang đàm phán 17 hiệp định FTA song phương và đa phương. Trong đó, 12 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Với việc đàm phán, ký kết hàng loạt FTA, nhất là các FTA thế hệ mới Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, khẳng định vai trò và vị trí trên trường quốc tế. Theo đánh giá, các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết đã tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế- xã hội, kỳ vọng đem lại nhiều cơ hội hợp tác về vốn, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Nhưng bên cạnh những cơ hội, các FTA mang lại không ít thách thức cho nền kinh tế. Nhằm làm rõ những cơ hội cũng như thách thức mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) tác động tới nền kinh tế Việt Nam.Ngày 05/06/2020, Khoa Kinh tế cơ sở – Trường Đại học Kinh tế- Kỹ thuật Công nghiệp tổ chức hội thảo với chủ đề: “ Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) tới nền kinh tế Việt Nam”.

Đến tham dự hội thảo về phía khách mời có: Bà Hoàng Thu Huyền – Giám đốc Công ty TNHH tư vấn kinh doanh Á Châu; Bà Trần Kim Anh, giảng viên trường Đại học Thương Mại

Về phía đại diện các đơn vị tham dự có: Th.S Đoàn Thị Diệp Uyển- Phòng Quản lý khoa học; Th.S Nguyễn Ngọc Minh – Trưởng khoa Kinh tế cơ sở; Th.S Phương Mai Anh -Phó trưởng khoa Kinh tế cơ sở cùng toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên tham dự.

Hội thảo đã chỉ ra những tác động mà các hiệp định thương mại tự do đến nền kinh tế Việt Nam, cụ thể đến hoạt động xuất nhập khẩu, đến ngành dệt may và nông sản của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đề xuất những giải pháp để các ngành kinh tế cụ thể là ngành dệt may và nông sản tận dụng những cơ hội và vượt qua thách thức từ các hiệp định thương mại tự do để phát triển bền vững. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid tác động sâu sắc tới nền kinh tế không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới, hội thảo đã chỉ ra được các hiệp định thương mại tự do FTA chính là những cú hích quan trọng, mà nếu tận dụng tốt sẽ giúp nền kinh tế vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Nội dung này được trình bày cụ thể chi tiết và cập nhật trong tham luân của khách mời Th.S Trần Kim Anh “ EVFTA cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam”; Th.S Nguyễn Thị Thanh Hoa với tham luận” EVFTA đem lại cơ hội và thách thức gì cho ngành dệt may Việt Nam”và tham luận của Th.S Nguyễn Thị Dung “Tác động của hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam”. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng cũng kèm theo không ít thách thức và những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Để có cái nhìn cụ thể về nội dung này, khách mời Th.S Hoàng Thu Huyền đã mang đến hội thảo tham luận “ Tác động của FTA đến thu hút nguồn vốn nước ngoài FDI vào Việt Nam”.

Các hiệp định FTA có hiệu lực sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội cạnh tranh về giá cả hàng hóa khi xuất khẩu. Điều này được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, cũng từ đây FTA có thể sẽ đặt các doanh nghiệp trước những cạnh tranh về nguồn lao động cũng như thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao trước tác động của các hiệp định thương mại tự do FTA đã được nêu ra trong hội thảo với đề tài tham luận của Th.S Hà Thị Thu Thủy “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao dưới tác động của FTA”. Tham luận đã chỉ ra thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, mặt thuận lợi cũng như khó khăn từ các FTA từ đó kiến nghị một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do FTA.

Các giảng viên và khách mời trình bày tham luận tại hội thảo

Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp có thể nắm bắt được tình hình phát triển của nền kinh tế trong nước từ đó tìm hiểu và kiến nghị một số giải pháp để đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Khách mời và giảng viên khoa Kinh tế cơ sở chụp ảnh lưu niệm khi kết thúc hội thảo

NgoanPham&Phương Dung- Khoa Ktcs

 

 

 

Tin tức liên quan