Khoa Du lịch và Khách sạn tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế đối với Việt Nam thời kỳ hậu covid 19”

Lượt xem: 1011

Từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế, ngành du lịch đã có những bước phát triển rất nhanh chóng cả về lượng khách và nguồn thu từ du lịch. Trong vòng 3-4 năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có mức tăng trưởng ngoạn mục thuộc hàng cao nhất thế giới với mức trung bình trên 20%/năm. Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng như năm 2018 là 8,3% và năm 2019 là 9,2%

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề nhất trong các ngành kinh tế. Du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD do lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% (so với năm 2019), lượng khách trong nước cũng giảm gần 50% …Bên cạnh đó, du lịch là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều nhóm ngành khác như: vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống, hàng không…Vì vậy, tác động của dịch Covid-19 khiến doanh thu tất cả những nhóm ngành này cũng đồng thời sụt giảm.

Vào hồi 8h ngày 18/5/2021, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu nhà trường, Khoa Du lịch và Khách sạn đã tổ chức hội thảo online qua zoom với chủ đề: “Các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế đối với Việt Nam thời kỳ hậu covid 19”. Các tham luận trình bày tại hội thảo gồm: “Thách thức đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam và cơ hội phục hồi sau dịch covid 19” đã chia sẻ bức tranh toàn cảnh ngành du lịch Việt Nam trước và trong đại dịch covid năm 2020; “Du lịch thông minh: Công nghệ và giải pháp cho ngành du lịch sau dịch covid 19” đã chia sẻ những khái niệm cơ bản, tình hình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam cũng như những kình nghiệm phát triển du lịch thông minh tại các quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc… Từ đó, chia sẻ cụ thể về những giải pháp phát triển du lịch thông minh tại Hà Nội thời kỳ du lịch đồng hành cùng đại dịch covid19;  “Một số giải pháp ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ thu hút khách hàng nội địa”. Tham luận đã chia sẻ tổng quan cũng như thực trạng về thương mại điện tử đối với doanh nghiệp ngành du lịch. Từ đó đề xuất một số giải pháp ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ thu hút khách hàng nội địa trong giai đoạn dịch covid19 vẫn đang căng thẳng; “Xu hướng du lịch của người Việt sau giãn cách xã hội và các giải pháp kích cầu du lịch nội địa thời kỳ sau dịch covid19”. Bài tham luận đã chia sẻ về các xu hướng du lịch trước đại dịch và xu hướng du lịch của người Việt sau mỗi đợt dịch covid19 bùng phát. Từ đó đề xuất các giải pháp kích cầu du lịch nội địa của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo; “ Thúc đẩy hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập sau dịch covid”. Bài tham luận đã trình bày vai trò của nguồn nhân lực trong ngành du lịch; những thuận lợi, khó khăn trong mối quan hệ hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa Nhà trường và doanh nghiệp. Từ đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp nhằm tạo ra nguồn nhân lực du lịch ngày càng đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là thời kỳ ngành du lịch phục hồi sau đại dịch covid 19.

Hội thảo cũng có sự góp mặt của các em sinh viên đến từ các ngành Du lịch nói riêng và khối ngành kinh tế nói chung. Các em sinh viên đã đặt các câu hỏi cho các thầy cô và các khách mời để hiểu rõ hơn về các vấn đề được trình bày trong tham luận. Các câu hỏi đặt ra cũng đã được các tác giả trả lời thỏa đáng cho sinh viên.

Sau phần thảo luận và trả lời câu hỏi của các tác giả, Th.S Nguyễn Ngọc Minh – phó trưởng khoa phụ trách Khoa Du lịch và khách sạn đã thay mặt Khoa cảm ơn sự tham gia của các khách mời, các thầy cô đã trình bày các bài tham luận cùng toàn thể các em sinh viên đã tham gia đặt câu hỏi giao lưu với các tác giả của các bài tham luận để trao đổi, làm rõ hơn chủ đề của hội thảo.

Một số hình ảnh tại hội thảo

Bài viết: Khoa Du lịch và Khách sạn

Tin tức liên quan