Khoa Cơ khí tổ chức hội thảo “Hệ thống sản xuất tích hợp trong sản xuất công nghiệp hiện đại”

Lượt xem: 1340

Với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0, ngày càng có nhiều giải pháp ứng dụng vào trong công nghiệp sản xuất trong đó có hệ thống sản xuất tích hợp – CIM (Computer Integrated Manufacturing). Hệ thống này sử dụng máy tính để điều khiển tất cả các quá trình sản xuất. Việc tích hợp này cho phép từng công đoạn đơn lẻ có thể trao đổi thông tin với nhau trong toàn bộ hệ thống giúp làm giảm thời gian sản xuất, giảm lỗi trong sản xuất, giảm thiểu lượng nguyên liệu và thành phẩm tồn kho.

Trên thế giới hệ thống sản xuất CIM đang được ứng dụng phổ biến tại các quốc gia phát triển, tuy nhiên tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế do công nghệ sản xuất truyền thống còn nhiều.

Để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đi lên, dần ngang bằng với các nước trên thế giới thì việc ứng dụng các hệ thống sản xuất CIM trong công nghiệp là một xu hướng tất yếu trong những năm tới và trong tương lai sau này.

Được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường, sáng ngày 15/4/2022, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề Hệ thống sản xuất tích hợp trong sản xuất công nghiệp hiện đại nhằm khai thác các công nghệ hiện đại ứng dụng trong sản xuất công nghiệp hiện nay để các giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, sinh viên tiếp thu các kiến thức ứng dụng thực tế nhiều hơn.

Đến tham dự hội thảo về phía doanh nghiệp, khách mời có: Th.S Nguyễn Vĩnh Hải- Chuyên gia của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, Th.S Lưu Quốc Khánh – Giám đốc công ty cổ phần công nghệ RAV Việt Nam.

Về phía khoa Cơ khí có: Các thầy lãnh đạo Khoa, Bộ môn, các giảng viên cùng các em sinh viên trong khoa tham dự.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thành Huân- Phó Trưởng khoa Cơ khí đã gửi lời cảm ơn các vị khách mời, các cán bộ giảng viên đã dành thời gian tham dự. Thông qua nội dung phát biểu, TS. Nguyễn Thành Huân đã nhấn mạnh tính tất yếu về nội dung của buổi hội thảo ngày hôm nay. Đồng thời mong muốn các nội dung thảo luận và chia sẻ từ các thầy cô, khách mời sẽ mang lại những kiến thức hữu ích cho các bạn sinh viên.

TS. Nguyễn Thành Huân phát biểu khai mạc

Tại hội thảo các đại biểu tham dự đã trình bày tham luận:

Chuyên đề 1: ThS. Nguyễn Tiến Dũng – GV khoa Cơ khí  trình bày báo cáo “Ứng dụng của CIM trong doanh nghiệp”. Bài báo cáo đưa ra các khái niệm liên quan đến CIM, ứng dụng của CIM và những lợi ích mà CIM mang lại trong sản xuất.

Th.S Nguyễn Tiến Dũng trình bày bài tham luận

Chuyên đề 2: Th.S Nguyễn Thị Khánh Huyền – GV khoa Cơ khí trình bày bài tham luận với nội dung “Giải pháp giám sát hiệu suất tổng thể OEE ứng dụng cho thiết bị trong nhà máy sản xuất”. Giải pháp đã ứng dụng công nghệ IoT vào trong lĩnh vực sản xuất nhằm cho biết hiệu suất tổng thế của thiết bị. Từ số liệu đó, doanh nghiệp có thể đưa ra các cải tiến phù hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm cũng như giảm các chi phí trong quá trình sản xuất.

Th.S Nguyễn Thị Khánh Huyền trình bày bài tham luận

Chuyên đề 3: Th.S Thân Thị Thương trình bài bài tham luận Camera Vision tích hợp trong hệ thống sản xuất”. Nội dung bài báo cáo chỉ ra ứng dụng thị giác máy tính mang lại hiệu quả trong quá trình sản xuất.

Th.S Thân Thị Thương trình bày bài tham luận

Chuyên đề 4: Th.S Nguyễn Vĩnh Hải- Chuyên gia Vinfast trình bày bài tham luận “Ứng dụng công nghệ cao trong dây chuyền sản xuất động cơ của Vinfast”. Bài tham luận của tác giả đã chia sẻ về một dây chuyền sản xuất thực tế tại nhà máy có mức độ tự động hóa hàng đầu Việt Nam là Vinfast.

Th.S Nguyễn Vĩnh Hải trình bày bài tham luận

Chuyên đề 5: Th.S Lưu Quốc Khánh- Giám đốc CTY TNHH RAV Việt Nam trình bày bài tham luận “Công nghệ trong sản xuất – Cơ hội nào cho Việt Nam” đã đưa ra thực trạng, thách thức cũng như cơ hội đối với các công nghệ trong sản xuất tại Việt Nam.

Th.S Lưu Quốc Khánh trình bày bài tham luận

Chuyên đề 6: TS. Phạm Trung Thiên- trưởng bộ môn Cơ điện tử- Khoa Cơ khí trình bài bài tham luận “MES 4.0 hệ thống sản xuất thông minh cho nhà máy hiện đại”. Bài báo cáo đã đưa ra giải pháp mà các nhà máy sản xuất hiện nay đều đang hướng đến đó là xây dựng hệ thống sản xuất thông minh tiến dần tới nhà máy thông minh.

TS. Phạm Trung Thiên trình bày bài tham luận

Sau khi các tác giả hoàn thành báo cáo tham luận, các giảng viên và sinh viên đã sôi nổi thảo luận, lần lượt đặt ra các câu hỏi cho từng báo cáo viên để hiểu rõ hơn về ứng dụng của hệ thống sản xuất tích hợp trong sản xuất công nghiệp hiện đại. Các câu hỏi đều được các báo cáo viên trả lời rõ ràng, thỏa đáng.

TS. Phạm Trung Thiên đã phát biểu tổng kết và đánh giá cao nội dung của các tham luận cũng như ghi nhận sự tích cực trao đổi của giảng viên, sinh viên, khách mời. Đồng thời, động viên các giảng viên trong khoa tiếp tục duy trì và mở rộng hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa trong năm học tới.

Hội thảo đã kết thúc vào lúc 11h30 cùng ngày. Thành công của Hội thảo có đóng góp không nhỏ của các bạn sinh viên và tập thể cán bộ, giảng viên trong Khoa, đặc biệt là được sự giúp đỡ và quan tâm của Ban Giám hiệu Nhà trường cùng toàn thể các đơn vị trong trường.

KHOA CƠ KHÍ

Tin tức liên quan