Khoa Công nghệ thực phẩm tổ chức Hội thảo “Chế biến và bảo quản nông sản thực phẩm trong xu hướng cách mạng 4.0”

Lượt xem: 780

Ngành công nghiệp thực phẩm đang trải qua những đổi mới mạnh mẽ trong thời đại 4.0 với sự ứng dụng của các công nghệ số, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo, … Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp cho ngành công nghệ thực phẩm phân tích dữ liệu và công tác dự báo, từ đó giúp tăng hiệu quả và độ chính xác của quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng. Nhờ kỹ thuật số hóa, ngành công nghiệp thực phẩm được nâng cao mức độ tự động hóa, giảm thiểu sự phụ thuộc vào lao động và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Sử dụng IoT (Internet of Things) và các thiết bị kết nối cho phép các thiết bị trong quy trình sản xuất kết nối với nhau và giao tiếp trực tiếp để quản lý quy trình sản xuất hiệu quả hơn. Chế biến thực phẩm sạch và an toàn cũng là xu hướng phát triển điển hình của ngành công nghiệp thực phẩm, các công nghệ mới sẽ giúp ngành công nghiệp thực phẩm tăng cường kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, phát triển thực phẩm chức năng đang trở thành một nhánh quan trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Sử dụng các công nghệ mới trong quản lý chuỗi cung ứng giúp quản lý chuỗi một cách an toàn và hiệu quả hơn, … Tóm lại, trong cách mạng 4.0, ngành công nghệ thực phẩm tiếp tục phát triển với nhiều công nghệ mới để cải thiện quy trình sản xuất, tăng cường an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban giám hiệu Nhà trường, ngày 21 tháng 02 năm 2023, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức hội thảo khoa học Chế biến và bảo quản nông sản thực phẩm trong xu hướng cách mạng 4.0”.

Hội thảo diễn ra từ 13h30 tới 17h30 tại Phòng hội thảo nhà H.H1, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp, số 454 Minh Khai, Hà Nội.

Hội thảo đã vinh dự được đón tiếp các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam, các chuyên gia đến từ các Doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm:

– PGS.TS. Vũ Văn Hạnh, Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam.

– TS. Đỗ Hoàng Tùng, TS. Nguyễn Trường Sơn – Trung tâm Vật lý kỹ thuật – Viện vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

– ThS. Phạm Thị Hằng, ThS. Đỗ Thị Yến – Công ty TNHH Yakult Việt Nam tại Hà Nội

– ThS. Nguyễn Thị Thu Trang – Công ty TNHH UASL Việt Nam

– Bà Nguyễn Thị Thu Liên, đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch tại Hà Nội

Về phía Nhà trường, Hội thảo đã có sự tham gia của:

– Bà Trương Thị Thuỷ- Chuyên viên phòng Khoa học và công nghệ;

– TS. Đặng Thị Thanh Quyên – Trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm,

– PGS.TS. Hồ Tuấn Anh- Phó trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm

Cùng tập thể các giảng viên và các sinh viên, học viên ngành Công nghệ thực phẩm.

Mở đầu Hội thảo, TS. Đặng Thị Thanh Quyên – Trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm đã có bài phát biểu khai mạc và nêu rõ mục đích của Hội thảo, đồng thời nhấn mạnh sự đóng góp và vai trò của các nhà Khoa học tại các viện nghiên cứu, các chuyên gia đến từ các Doanh nghiệp đối với sự phát triển của Khoa Công nghệ thực phẩm và Nhà trường.

TS. Đặng Thị Thanh Quyên – Trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm khai mạc Hội thảo

 Tại buổi Hội thảo, các nhà Khoa học đến từ các Viện nghiên cứu và các chuyên gia của các Doanh nghiệp đã chia sẻ những thông tin khoa học mới, thiết thực, những xu hướng phát triển, những kỹ thuật và công nghệ mới đã, đang và sẽ được ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm để giúp cho ngành công nghệ thực phẩm ngày càng phát triển, phù hợp và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời đại cách mạng 4.0.

Các báo cáo về “Ứng dụng robot trong Công nghệ thực phẩm”, “Truy xuất nguồn gốc trong công nghệ thực phẩm” và “Áp dụng công nghệ 4.0 trong tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Yakult Việt Nam” đã cho thấy tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo, công nghệ số và việc ứng dụng robot trong lĩnh vực thực phẩm, các công nghệ này đã giúp cho ngành công nghệ thực phẩm có những thay đổi lớn, cho phép sản xuất thực phẩm được tự động hóa hơn, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, giảm thiểu thất thoát và tăng hiệu suất sản xuất, sự gắn kết, kiểm soát giữa các khâu trong quá trình sản xuất được thực hiện dễ dàng, mọi thông tin về sản phẩm được minh bạch hơn.

Các nhà khoa học đã có những chia sẻ về các công nghệ mới, an toàn và thân thiện với môi trường như công nghệ plasma, công nghệ ứng dụng những chủng vi sinh vật an toàn phân lập từ bản địa, … Ứng dụng các công nghệ mới trong bảo quản và chế biến thực phẩm là một hướng phát triển quan trọng giúp tạo ra các sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị cho các nông sản, thực phẩm.

Dưới đây là một số hình ảnh về buổi Hội thảo:

TS. Đỗ Thị Kim Loan, Khoa Công nghệ thực phẩm trình bày báo cáo “Ứng dụng robot trong Công nghệ thực phẩm”

ThS. Nguyễn Thị Thu Trang, Chuyên gia đánh giá trưởng ISO 22000, Công ty TNHH UASL Việt Nam, báo cáo chuyên đề “Truy xuất nguồn gốc trong công nghệ thực phẩm”

ThS. Phạm Thị Hằng, Trưởng phòng PR và khoa học, Chi nhánh Công ty TNHH Yakult Việt Nam tại Hà Nội báo cáo chuyên đề: “Áp dụng công nghệ 4.0 trong tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Yakult Việt Nam”.

ThS. Đỗ Thị Yến và ThS. Phạm Thị Hằng, Công ty TNHH Yakult Việt Nam, giao lưu và trao phần thưởng cho các sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm

Bà Nguyễn Thị Thu Liên giao lưu và thảo luận với Hội thảo về “Xu hướng phát triển sản phẩm thực phẩm, nhu cầu và sự cần thiết đối với sự minh bạch thông tin của sản phẩm”

TS. Nguyễn Trường Sơn, Trung tâm vật lý kỹ thuật, Viện vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN VN báo cáo chuyên đề “Ứng dụng công nghệ Plasma trong bảo quản hoa quả sau thu hoạch”

PGS.TS. NCVCC. Vũ Văn Hạnh, Trưởng phòng Các chất chức năng sinh học Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam báo cáo Chuyên đề “Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật trong nâng cao giá trị dinh dưỡng của phụ phẩm bã đậu tương tách dầu”

Khách mời, giảng viên và sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm chụp ảnh lưu niệm

Bài viết: Khoa Công nghệ Thực phẩm

Tin tức liên quan